Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 3

  • Hôm nay 295

  • Tổng 2.283.060

Cần có chính sách đầu tư mạnh hơn về phát triển trồng rừng gỗ lớn

Ngày đăng: 10/12/2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Trong khuôn khổ Chương trình làm việc của kỳ họp thứ 4, kỳ họp thường lệ cuối năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Hải Châu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung như: tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của các công trình trọng điểm; giải pháp tháo gỡ khó khăn, giải quyết việc làm cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh covid - 19; hỗ trợ sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn; phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; chính sách mở rộng sản xuất kinh doanh, thành lập mới các hợp tác xã nông nghiệp…

 

Phát biểu tham luận tại kỳ họp, đồng chí Trần Tiến Sỹ - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh, tổ đại biểu Bố Trạch đồng tình với báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của tỉnh, đặc biệt là nội dung đánh giá về những tồn tại trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Sản xuất nông nghiệp tỉnh ta đang bị ảnh hưởng rất lớn trước sự biến đổi khí hậu. Lâu nay chúng ta đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi nhưng kết quả chưa mong muốn. Để góp phần khắc phục vấn đề này, thì việc chuyển đổi số, liên kết giá trị, ứng dụng công nghệ cao, các biện pháp canh tác, thâm canh mới như: nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, an toàn sinh học… hiện là xu hướng tất yếu phải tiến hành để nâng cao giá trị nông sản. Nhà nước, tỉnh đã có chủ trương, chính sách do đó các ngành chuyên môn cần chủ động để có giải pháp cụ thể, rõ ràng trong tổ chức thực hiện, nhất là việc triển khai, chuyển giao đến cho người dân. Cần có chính sách đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp, người nông dân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đa dạng hóa các loại hình hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản.

 

Quảng Bình có tiềm năng rất lớn về rừng, trong đó rừng trồng chiếm gần 20% diện tích rừng toàn tỉnh, nhưng thực tiễn cho thấy chất lượng, giá trị cũng như khả năng phòng hộ của rừng trồng trên địa bàn tỉnh còn thấp hơn nhiều so với các tỉnh khác. Tình trạng lấn chiếm trái phép, tranh chấp đất lâm nghiệp vẫn còn xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu là sự vào cuộc của các ngành, các địa phương trong thời gian qua chưa đúng mức; việc chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng của ngành chức năng chưa nhiều, chưa đi vào thực tế, còn để người dân tự phát thực hiện, thiếu đầu tư thâm canh.

 

Đ/c Trần Tiến Sỹ - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh phát biểu tham luận tại kỳ họp thứ 4, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII

 

Đồng chí Trần Tiến Sỹ đề xuất một số giải pháp phát triển rừng trong những năm tới như sau:

 

1. Ngành nông nghiệp và các địa phương phải có sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt hơn, cụ thể đó là có chính sách đầu tư mạnh hơn về phát triển trồng rừng gỗ lớn.
2. Kêu gọi, khuyến khích đầu tư để hình thành các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng gắn với phát triển chất lượng nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng tại các huyện có diện tích rừng trồng lớn như Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa.
3. Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các biện pháp kỹ thuật thâm canh rừng cho các chủ rừng trong tất cả các khâu: giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng, khai thác rừng trồng.
4. Rà soát, đánh giá việc sử dụng đất lâm nghiệp của các công ty, lâm trường trên địa bàn tỉnh làm cơ sở cho việc thu hồi đất ở những nơi mà các công ty, lâm trường sử dụng không hiệu quả, những nơi phù hợp với hộ dân hơn để giao cho các hộ dân sản xuất nhằm giải quyết tình trạng đất do các lâm trường quản lý thì thừa, nhưng người dân lại thiếu đất sản xuất.
Những vấn đề đồng chí Trần Tiến Sỹ tham luận tại kỳ họp rất cần sự quyết tâm hành động của các cấp, các ngành và nguồn lực để giải quyết, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi.

 

Phùng Xuân Tiến

Các tin khác