Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 1

  • Hôm nay 790

  • Tổng 2.284.076

Điển hình nông dân: Làm giàu từ mô hình chăn nuôi dưới tán cây rừng

Ngày đăng: 11/04/2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, những năm qua, trên địa bà xã An Ninh, huyện Quảng Ninh đã xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương nông dân tiên tiến, điển hình trong phát triển kinh tế, tiêu biểu là gia đình anh Trương Thanh Bình, sinh năm 1988, chị Đinh Thị Hoài Thu, sinh năm 1989 ở thôn Đại Hữu, xã An Ninh.

Được sự giới thiệu của Hội Nông dân huyện Quảng Ninh, chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế chăn nuôi tổng hợp, vườn rừng, vườn đồi của vợ chồng anh Bình, chị Thu, ở thôn Đại Hữu, xã An Ninh vào một buổi sáng đầu tháng tư, khi anh chị đang chăm sóc đàn gà thịt chuẩn bị xuất bán lứa đầu tiên trong năm 2023.

 

Cũng như bao gia đình nông dân khác, khi mới lập gia đình, cuộc sống của vợ chồng anh Trương Thanh Bình, chị Đinh Thị Hoài Thu gặp rất nhiều khó khăn, vất vả; nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào vài sào ruộng khoán và nuôi mấy con gà, con lợn... Với bản chất là người nông dân chăm chỉ, chịu khó, vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, vợ chồng anh chị quyết tâm phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

 

Anh Trương Thanh Bình cho biết “Tận dụng lợi thế vùng đất gò đồi sẵn có của gia đình, từ năm 2017, vợ chồng tôi đã đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp, phát triển kinh tế vườn rừng, vườn đồi. Trên diện tích đất đồi hơn 1 hecta, gia đình tôi xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà, dê, bò… đồng thời trồng các loại cây ăn quả và trồng rừng kinh tế. Trồng rừng vừa đưa lại nguồn thu nhập cho gia đình, vừa tạo bóng mát để chăn nuôi gà dưới tán cây. Cứ mỗi sáng sớm, sau khi cho ăn, hàng ngàn con gà được thả nuôi dưới tán cây rừng, đêm về được nhốt vào chuồng, như vậy đảm bảo đàn gà sinh trưởng phát triển tốt và chất lượng thịt săn chắc, tạo được uy tín cho khách hàng”.

 

Ảnh: Anh Trương Thanh Bình chăm sóc đàn gà dưới tán cây

 

Vừa tích cực sản xuất, gia đình anh, chị vừa tích lũy, đúc rút kinh nghiệm và học hỏi từ các mô hình kinh tế khác trong vùng, học tập trên các phương tiện thông tin đại chúng, vì vậy mô hình chăn nuôi của gia đình anh, chị phát triển khá tốt. Hiện nay, mô hình có 5 chuồng nuôi gà thịt, mỗi chuồng có diện tích khoảng 400 mét vuông; mỗi năm nuôi 3 lứa gà thịt theo phương thức gối vụ, mỗi lứa nuôi 10.000 con, thu lãi ròng trên 100 triệu đồng/năm.

 

Bằng nguồn vốn tích cóp và được sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện cho vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, gia đình anh chị đã tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất. Năm 2021, sau khi tìm hiểu nhu cầu thị trường, gia đình anh chị đã đầu tư xây dựng 1 chuồng chăn nuôi dê diện tích 500 mét vuông, để chăn nuôi dê sinh sản và dê thịt. Hiện, gia đình anh chị nuôi 45 con dê sinh sản, mỗi năm một con sinh sản 2 lứa, mỗi lứa 2 con. Điều đáng nói là toàn bộ số dê giống, gia đình anh chị đều tiếp tục đầu tư nuôi lấy thịt. Mỗi năm xuất chuồng 80-90 con dê thịt, trọng lượng 20 đến 25 kg/con, trị giá trên 3 triệu đồng, đưa lại thu nhập khoảng 250 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi 150 triệu đồng. Ngoài ra, vợ chồng anh Trương Thanh Bình còn đầu tư trồng 0,5 ha rừng kinh tế và hàng trăm gốc mít thái, mảng cầu dai, ổi và các loại cây ăn quả khác.

 

Anh Trương Thanh Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Ninh cho biết: “Giúp đỡ gia đình hội viên nông dân phát triển kinh tế tổng hợp vườn rừng, vườn đồi là một trong những nhiệm vụ được Ban Thường vụ Hội Nông dân xã An Ninh chú trọng. Với diện tích vườn đồi, vườn rừng khá lớn, những năm qua, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các hộ gia đình phát triển sản xuất. Điển hình như mô hình kinh tế tổng hợp của vợ chồng anh Bình, chị Thu làm ăn khá hiệu quả. Mô hình tuy nhỏ, nhưng rất phù hợp với điều kiện của nhiều hộ nông dân vùng bán sơn địa trên địa bàn. Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục tuyên truyền, vận động, tổ chức cho một số hội viên học tập, tham quan mô hình này để nhân rộng”.

 

Từ mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi kết hợp vườn đồi, vườn rừng, hằng năm, gia đình anh Bình, chị Thu có lãi ròng trên 200 triệu đồng, góp phần trang trải cuộc sống. Bên cạnh đó, gia đình anh, chị còn tích cực tham gia, đóng góp vào các phong trào hoạt động xã hội, nhân đạo từ thiện của địa phương và tạo điều kiện giúp đỡ nhiều hộ gia đình khác cùng vươn lên làm giàu chính đáng. 

 

Hiệu quả kinh tế từ mô hình không chỉ mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình anh Trương Thanh Bình, chị Đinh Thị Hoài Thu mà còn là động lực để nhiều hội viên nông dân và người dân địa phương học tập, làm theo, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy kinh tế, xã hội ngày càng phát triển.

 

Ng. Khang

Các tin khác