Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 8

  • Hôm nay 6969

  • Tổng 2.410.909

Làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp của Hội viên Trần Đức Hùng

Ngày đăng: 13/04/2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được các hội viên nông dân triên địa bàn xã Văn Hoá triển khai sâu rộng, tạo sức lan tỏa trên nhiều lĩnh vực, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia làm kinh tế có hiệu quả cao. Tiêu biểu là hội viên Trần Đức Hùng, thôn Trung Đình với mô hình kinh tế tổng hợp.

Mô hình nuôi ong lấy mật của hội viên nông dân Trần Đức Hùng, thôn Trung Đình, xã Văn Hoá

 

Trước đây gia đình ông Trần Đức Hùng có hoàn cảnh khó khăn, gia đình thuộc hộ cận nghèo, cuộc sống hằng ngày chỉ dựa dẫm vào mấy sào ruộng cấy, vì cuộc sống mưu sinh, Ông Hùng đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm để đầu tư sản xuất kinh doanh, mong sao có cuộc sống ổn định như những gia đình khác. Cuối năm 2017, được sự quan tâm của lãnh đạo UBND xã và Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tuyên Hoá đã tạo điều kiện cho Ông vay vốn từ ngân hàng chính sách huyện 50 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi trâu sinh sản. Sau khi được vay vốn Ông đã mua 02 con trâu cái, sau hơn 3 năm tổng đàn trâu tăng lên lên 08 con. Thời điểm lúc đó giá đầu ra trâu bò tăng cao, ông đã bán 02 con trâu, trả được nợ gốc ngân hàng. Tuy nhiên, đến năm 2021, trên địa bàn xã Văn Hoá nói riêng và các xã lân cận nói chung xảy ra dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò, lợi dụng tình hình đó tư thương ép giá, người chăn nuôi trâu, bò gặp nhiều khó khăn. Trước những khó khăn đó, Ông Hùng đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn đầu tư thêm nghề nuôi ong lấy mật.

 

Năm 2022, ông đã đầu tư nuôi 15 đàn ong, thời gian đầu, việc nuôi ong gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật, hiệu quả của mô hình chưa cao. Không nản chí, ngoài những kinh nghiệm tích lũy được, ông Hùng tích cực học hỏi thêm kinh nghiệm qua sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, ông tham gia các lớp tập huấn; lớp học nghề nuôi ong do Hội Nông dân xã tổ chức để nâng cao kiến thức. Nhờ tinh thần không ngại khó, ngại khổ, linh hoạt vận dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình nuôi, đàn ong của gia đình ông Hùng phát triển và sinh trưởng tốt. Đến nay tổng đàn ong của Ông Hùng đã nhân lên 60 đàn.

 

Ông Hùng cho biết: Để đàn ong khỏe mạnh cho năng suất, chất lượng mật cao, đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận của người nuôi. Tôi thường xuyên kiểm tra, vệ sinh thùng ong, để đảm bảo nơi ở của chúng luôn khô ráo, sạch sẽ, phòng tránh bệnh và các loại côn trùng gây hại cho ong. Tùy theo từng thời điểm, phải có biện pháp chống rét, chống nóng thích hợp cho đàn ong. Cũng theo chia sẻ của ông Hùng, để ong cho mật nhiều, chất lượng tốt, ngoài nuôi tại vườn nhà, ông còn di chuyển đàn ong đến nhiều địa điểm khác nơi phong phú về nguồn hoa để ong có nguyên liệu làm mật. Mùa thu hoạch ong diễn ra từ tháng 2 đến tháng 6 dương lịch, đây cũng là khoảng thời gian nhiều hoa nên lượng mật ong dồi dào nhất trong năm. Tuy nhiên, sản lượng mật khai thác được nhiều hay ít còn phụ thuộc vào hai yếu tố: thời tiết thuận lợi, trời nắng đẹp, mật hoa đặc, ong sẽ lấy mật nhanh và đàn ong phải khỏe mạnh, trong thùng đảm bảo có 4 - 8 cầu ong thì khai thác mật mới nhanh. Đến nay, mô hình của gia đình ông Trần Đức Hùng đang duy trì 60 đàn ong, mỗi năm thu về 450 - 500 lít mật, với giá bán ra thị trường từ 300.000 – 350.000 đồng/lít.

 

Không những đầu tư nuôi ong lấy mật, ông Hùng còn duy trì đàn trâu 04 con; chăn nuôi gà, vịt, trồng thêm các loại cây ăn quả trong vườn để tạo thêm nguồn hoa cho Ong lấy mật, đồng thời tham gia sản xuất 02 mẫu lúa, ngô và đậu các loại giải quyết được việc làm tăng thu nhập cho gia đình, góp phần cùng với địa phương hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng thu nhập sau khi trừ chi phí, mô hình kinh tế của gia đình ông thu nhập trên 250 triệu đồng/năm.   

 

Không chỉ tích cực phát triển kinh tế, ông Hùng còn hăng hái tham gia hoạt động xã hội làm Chi hội trưởng chi hội nghề nghiệp nuôi ong lấy mật xã Văn Hoá. Hàng quý Chi hội tổ chức sinh hoạt theo định kỳ, trong các buổi sinh hoạt hội viên có ý kiến trao đổi, thảo luận kỹ thuật chăn nuôi, ông Hùng đã chia sẽ tận tình những thắc mắc của Hội viên trong quá trình nuôi, tạo động lực cho các hội viên phấn khởi tham gia sinh hoạt đầy đủ. Ngoài ra ông Hùng còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm cho những hộ nuôi ong trong và ngoài xã, cung cấp Ong giống cho các hộ có nhu cầu; ông còn vận động các hộ gia đình lân cận đầu tư nuôi ong tăng thêm thu nhập, vì thực tế nuôi ong cũng không khó, cho thu nhập cao, thị trường tiêu thụ khá nhanh.

 

Với những nỗ lực trong phát triển kinh tế gia đình và những đóng góp vào phong trào của Hội Nông dân, ông Trần Đức Hùng được công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, là tấm gương sáng cho các hội viên, nông dân và Nhân dân trên địa bàn xã Văn Hoá học tập và làm theo.

 

Nguyễn Thị Lộc
(Hội Nông dân xã Văn Hoá)

Các tin khác