Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 1

  • Hôm nay 284

  • Tổng 2.281.732

Kết quả tích cực từ một phong trào thi đua của Hội Nông dân huyện Lệ Thủy

Ngày đăng: 30/12/2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động, 5 năm qua (từ năm 2017-2021), các cấp Hội Nông dân huyện Lệ Thủy đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân trong toàn huyện nổ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, khai thác hiệu quả tiềm năng về vốn, lao động, đất đai, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

 

Ảnh: Chuyển đổi lúa tái sinh sang gieo cấy lúa vụ Hè - Thu cho năng suất cao ở xã Dương Thủy

 

Là một địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, có nhiều diện tích  trồng lúa, các cấp Hội đã tập trung vận động hội viên nông dân thực hiện dồn điền đổi thữa, tích tụ ruộng đất để xây dựng vùng thâm canh cánh đồng lúa lớn, thâm canh lúa cải tiến theo phương pháp SRI nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập. Năm 2021 nông dân huyện thực hiện cánh đồng lúa lớn đạt diện tích 3.408 ha, tăng 1.366 ha so với năm 2017, tập trung tại các xã Phong Thủy, Lộc Thủy, Liên Thủy, An Thủy, Sơn Thủy, Thanh Thủy..., năng suất bình quân đạt 75,12 tạ/ha. Diện tích canh tác lúa cải tiến (SRI) toàn huyện đạt 2.713 ha, tăng 1.475 ha so với năm 2017, tại các xã An Thủy, Liên Thủy, Phong Thủy, Lộc Thủy... năng suất bình quân đạt 74,44 tạ/ha.

 

Ảnh: Chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen tại xã Phong Thủy

 

Việc vận động nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng KHKT, nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh ngày càng được chú trọng. Vận động chuyển đổi 139 ha trồng lúa kém hiệu quả, sang trồng sen, mía, ngô, đậu xanh và dưa hấu. Đặc biệt là vận động nông dân áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, bỏ truyền thống làm lúa tái sinh trong vụ Hè –Thu năng suất thấp, chuyển đổi sang gieo cấy lúa vụ Hè - Thu được 596 ha cho năng suất cao. Có nhiều mô hình đưa giống cây trồng mới vào sản xuất có hiệu quả, như mô hình trồng ngô HN88, khoai lang Hoàng Long đang được nhân rộng; nhiều đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao như: chim Yến, chim Trĩ, Tôm đất, Cá Chình… bước đầu mạng lại hiệu quả cao. Có 41 mô hình ứng dụng các tiến bộ KHKT, công nghệ mới, đưa cây mới, con mới, vào sản xuất, chăn nuôi đưa lại hiệu quả cao, trong đó có 15 mô hình trồng trọt, 22 mô hình chăn nuôi, thủy sản, 04 mô hình lâm nghiệp. Các mô hình đã từng bước áp dụng công nghệ cao như: công nghệ tưới nhỏ giọt của Isareal, trồng cây trong nhà màng, trên giá thể; xây dựng chuồng trại chăn nuôi khép kín có hệ thống làm mát, sử dụng hệ thống Biogas, sử dụng đệm lót chuồng sinh học, sử dụng chế phẩm EM trong xử lý môi trường chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... nhiều trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã đã tổ chức sản xuất theo quy trình khép kín, theo chuổi giá trị, xây dựng thương hiệu sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng chất lượng, an toàn, hiệu quả.

 

Ảnh: Khuôn viên trang trại nuôi cá giống, cá thịt của hội viên Đinh Đăng Tuân

 

Đến nay số hộ sản xuất, kinh doanh giỏi toàn huyện có 19.407 hộ, tăng 15,6% so với năm 2017; trong đó: Cấp Trung ương 87 hộ, cấp tỉnh 976 hộ, cấp huyện 3.413 hộ và cấp cơ sở 14.931 hộ. Toàn huyện có 85 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; 88 trang trại đạt tiêu chí theo quy định tại Thông tư 02/2020/TT-BNN&PTNT ngày 28/02/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tiêu biểu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi có: Hội viên Đinh Đăng Tuân, xã Hưng Thủy, với mô hình trang trại tổng hợp, diện tích 05 ha, lợi nhuận hàng năm 1,2 tỷ đồng; hội viên Bùi Hữu Huế, xã Lộc Thủy, với mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp với diện tích 10 ha và dịch vụ nông nghiệp gồm khâu làm đất, máy gặt đập liên hợp, bơm nước, doanh thu hàng năm 1,6 tỷ đồng; hội viên Nguyễn Quang Ngọc, xã Ngư Thủy với mô hình trang trại tổng hợp, doanh thu hàng năm đạt 5 tỷ đồng; Hội viên Trần Kim Phi, xã Ngư Thủy Bắc, với mô hình chăn nuôi tổng hợp, tổng thu nhập hàng năm 2,5 tỷ đồng; Hội viên Trần Trung Kiên, xã Tân Thủy với mô hình chăn nuôi tổng hợp và thầu xây dựng, thu nhập hàng năm 1,2 tỷ đồng; hội viên Hồ Văn Bôn, người dân tộc Bru Vân Kiều, xã Ngân Thủy với mô hình trồng rừng nguyên liệu và chăn nuôi tổng hợp, doanh thu hàng năm 600 triệu đồng...

 

Thông qua phong trào, hàng năm các cấp Hội đã phối hợp giúp đỡ 200 hộ  nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo; trực tiếp giúp đỡ, hỗ trợ 30 hộ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, vươn lên trong cuộc sống, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 3,35% năm 2021.

 

Từ phong trào, trong 5 năm qua đã có nhiều hội viên nông dân tiêu biểu được khen thưởng: Hội viên Đinh Đăng Tuân ở Hưng Thủy là một trong 63 nông dân xuất sắc đã được vinh danh và được nhận danh hiệu nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019; có 02 hội viên được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 07 hội viên được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 49 hội viên được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; 56 hội viên được UBND huyện tặng Giấy khen và nhiều Bằng khen, Giấy khen của Ban Chấp hành Hội Nông các cấp, đã kịp thời cổ vũ, động viên hội viên nông dân đẩy mạnh, nâng cao chất lượng thực hiện phong trào phát triển lên tầm cao mới.

Bùi Văn Mạnh

HND huyện Lệ Thủy

Các tin khác