Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 2

  • Hôm nay 632

  • Tổng 2.284.786

Nông dân xã Quảng Hưng tập trung tái đàn vật nuôi

Ngày đăng: 17/04/2024

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 vừa qua, một lượng lớn gia súc, gia cầm được xuất bán để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, nên tổng đàn vật nuôi trên địa bàn huyện giảm. Do vậy, việc tái đàn vật nuôi sau Tết có ý nghĩa quan trọng trong việc ổn định hoạt động chăn nuôi và chủ động nguồn cung cấp thực phẩm ra thị trường. Hiện nay, các trang trại, hộ chăn nuôi đang tích cực chuẩn bị các điều kiện tập trung tái đàn, tăng đàn kết hợp với phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.

 

 

Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình anh Bùi Quang Dũng, thôn Tú Loan 3, xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch đã xuất bán trên 2 tấn thịt Đà Điểu thương phẩm, với giá bán 250 nghìn đồng/kg, đem lại nguồn thu nhập gần 700 triệu đồng; ngoài xuất bán thịt Đà Điểu, gia đình anh còn đem bán 600 trứng Đà Điểu với doanh thu 250 triệu đồng. Anh Dũng cho biết: Ngay sau Tết, gia đình tôi đang tập trung cho việc sửa lại chuồng trại, phun tiêu độc, khử trùng xung quanh khu vực chăn nuôi; tuy nhiên việc tái đàn cần thẩn trọng, đặc biệt là chú ý trong công tác phòng chống dịch bệnh nên tôi đang chờ khi thời tiết ấm nắng, thuận lợi cho đàn vật nuôi phát triển mới tiếp tục nhân đàn tại khu trang trại và nhập thêm con giống về nuôi. Ngoài nuôi Đà Điểu, Trang trại gia đình tôi sẽ phát triển thêm đàn bò, lợn để nâng cao thu nhập.

 

Cùng dịp gia đình anh Võ Văn Dương, thôn Tú Loan 1, xã Quảng Hưng đã xuất bán khoảng 60 tấn thịt lợn thương phẩm. Hiện nay, gia đình anh Dương đang chuẩn bị đưa vào lứa nuôi mới với khoảng 500 - 600 con lợn. Anh Dương chia sẻ: Việc tái đàn, tăng đàn sau tết cần phải cẩn thận vì đây là thời điểm giao mùa, vật nuôi sức đề kháng kém dễ mắc bệnh. Vì vậy, khi tái đàn, nguồn con giống phải được nhập từ trang trại giống uy tín và được kiểm tra chất lượng, tiêm phòng đầy đủ vắcxin, nguồn thức ăn đảm bảo. Bên cạnh đó, đối với hệ thống chuồng trại cần thường xuyên tiêu độc khử trùng, khơi thông cống rãnh, tránh để ẩm ướt, hạn chế tối đa điều kiện để phát sinh dịch bệnh.

 

 

Năm 2024, toàn huyện đặt ra mục tiêu, phấn đấu đẩy mạnh công tác phát triển tổng đàn gia súc, gia cầm. Để thực hiện mục tiêu này, huyện chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương tập trung khuyến cáo, hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi thực hiện tái đàn, tăng đàn bảo đảm an toàn dịch bệnh. 

 

Hiện nay, thời tiết bất thường là điều kiện để dịch bệnh trên đàn gia xúc, gia cầm phát triển, có thể bùng phát. Do đó, ngoài việc khôi phục đàn vật nuôi, các hộ chăn nuôi cần tăng cường phòng chống dịch bệnh, đẩy mạnh các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo định kỳ; chủ động tìm hiểu thông tin về dự báo và diễn biến thị trường, lượng cung cầu, nơi tiêu thụ sản phẩm để đầu tư phát triển chăn nuôi cho phù hợp với tình hình thực tế, không tái đàn ồ ạt, tránh thiệt hại khi bước vào vụ sản xuất mới, góp phần đưa ngành chăn nuôi toàn huyện năm 2024 phát triển ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.

                                                                                                       Bùi Văn Phương

                                                                                               (HND huyện Quảng Trạch)