Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 4

  • Hôm nay 2802

  • Tổng 2.273.383

Phát huy vai trò của các cấp Hội Nông dân trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Ngày đăng: 23/11/2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 phê duyệt “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” với mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

Nghị quyết số 26/NQ-TW cũng đã khẳng định: “Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới”. Vấn đề vừa mang tính lý luận và thực tiễn đang đặt ra đó là phát huy vai trò chủ thể của nông dân, vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam trong công cuộc CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Do vậy cần thiết phải có giải pháp hết sức quan trọng là phải tăng cường đào tạo để nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp của nông dân, của cán bộ Hội Nông dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “muốn làm chủ thì phải học tập”, “làm nghề gì cũng phải học”. Nông dân muốn phát huy vai trò chủ thể thì phải được đào tạo, phải ứng dụng được kiến thức, tiến bộ khoa học công nghệ vào lao động sản xuất và làm ăn kinh tế để gia tăng năng suất, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nhằm làm giàu cho bản thân cũng như xã hội. Hội Nông dân Việt Nam muốn phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt thì cán bộ hội phải có kiến thức, kỹ năng để tư vấn, định hướng và tập hợp hội viên, nông dân phải thật sự chuyên nghiệp trong nghề nghiệp của mình.

 

    Ảnh: Giáo viên Trung tâm tham gia hội giảng toàn tỉnh, Nghề Chế biến món ăn

 

Tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 đã nêu trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam: “Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia học nghề; tư vấn miễn phí về dạy nghề, việc làm, thành lập doanh nghiệp, trang trại và cơ sở sản xuất, kinh doanh; tham gia dạy nghề và giám sát tình hình thực hiện đề án ở địa phương”. Đồng thời, thực hiện Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 – 2020 và   Chương trình phối hợp công tác giữa Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) giai đoạn 2011- 2016 và 2016-2020, trong đó nêu rõ mục đích nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên và nông dân về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, các chính sách liên quan đến lĩnh vực lao động và xã hội đối với nông dân. Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân các cấp trong công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho nông dân trên địa bàn tỉnh. Tăng cường sự phối hợp giữa Hội và ngành LĐTBXH, hàng năm phối hợp với Hội để chỉ đạo, triển khai các nội dung của Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn; phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án ở các cấp; xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các nhiệm vụ đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn.

 

Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội chú trọng công tác tư vấn cho lao động nông thôn về học nghề, chọn nghề, định hướng phát triển nghề, vay vốn giải quyết việc làm trước và sau học nghề. Hội Nông dân các xã, phường, thị trấn đưa nội dung tuyên truyền, vận động trong các buổi sinh hoạt định kỳ của các chi, tổ Hội tại các thôn, bản, làng. Phối hợp với các ngành chức năng, các đoàn thể chính trị - xã hội khác để lồng ghép tuyên truyền, tư vấn cho lao động nông thôn. Hội Nông dân cấp tỉnh giao cho Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (nay là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ nông dân – phụ nữ Quảng Bình được thành lập trên cơ sở hợp nhất, sáp nhập Trung tâm Dạy nghề Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân Hội Nông dân tỉnh theo Quyết định 1914/QĐ-TU ngày 09/12/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy) là đơn vị trực tiếp, nồng cốt trong việc triển khai công tác đào tạo nghề, cử cán bộ đến từng xã trên địa bàn để tuyên truyền và trực tiếp tư vấn học nghề và việc làm miễn phí cho lao động nông thôn. Qua công tác tuyên truyền của Hội đã kịp thời truyền tải nội dung các chính sách hỗ trợ đào tạo, vay vốn giải quyết việc làm cho người nông dân trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; góp phần tạo xã hội học tập, bước đầu hình thành ý thức và thói quen của của nông dân trong việc dành ưu tiên cho học nghề, tạo việc làm phù hợp với xu thế phát triển bền vững của cộng đồng.

 

Ảnh: Đào tạo nghề đan lát thủ công truyền thống của đồng bào Vân Kiều tại xã Kim Thủy, Lệ Thủy

 

Trong những năm qua, Trung tâm Dạy nghề Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức được 352 lớp đào tạo nghề cho 9.238 lượt hội viên nông dân, phụ nữ. Sau 2 năm thành lập (từ tháng 01/2020 đến nay), Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ nông dân-phụ nữ Quảng Bình đã tổ chức được 46 lớp, cho gần 1.500 hội viên, với 23 nghề dưới 3 tháng và 3 nghề sơ cấp. Người lao động sau khi kết thúc các lớp học có khoảng 80% tìm được việc làm, tăng thu nhập cho bản thân, gia đình, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.

 

Việc tổ chức dạy nghề cho nông dân đã được triển khai theo mô hình dạy nghề gắn với phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi. Sau khi tổ chức dạy nghề, các cấp Hội tích cực tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân về vật tư, phân bón, máy nông nghiệp. Nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư vốn, mở mang ngành nghề mới, củng cố các nghề truyền thống, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, cánh đồng lớn, tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm hàng hóa. Có thể thấy rõ nhận thức của người dân về dạy nghề, phát triển nhân lực nông thôn có sự chuyển biến tích cực; số người đăng ký học nghề tăng nhanh; người dân có nhận thức sâu sắc hơn về mục đích học nghề: từ chỗ học theo phong trào, học để nhận tiền hỗ trợ, học chỉ để cho biết chuyển sang học nghề để nắm bắt khoa học, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất để có năng suất, thu nhập cao hơn; học để có kiến thức, kỹ năng tìm được việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, học để giảm nghèo bền vững và thậm chí học để làm giàu.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian qua trên địa bàn tỉnh và của Hội còn có những hạn chế nhất định, đó là: Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn thiếu sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong các khâu của quá trình đào tạo, chưa có nhiều lớp đào tạo nghề nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh hiện đại; số người sau học nghề liên kết thành lập tổ nhóm sản xuất, HTX, doanh nghiệp còn ít; chương trình đào tạo có khu chỉ chú trọng trang bị kiến thức, kỹ năng tay nghề cho người lao động, chưa chú trọng trang bị các kiến thức về vốn, thị trường, sản xuất kinh doanh hàng hóa cho người học; tinh thần, thái độ của người học còn thụ động, thiếu tích cực, việc chủ dộng tìm việc làm sau học còn ít, chưa mạnh dạn áp dụng kiến thức đã học vào thực tế, khi áp dụng thì thiếu sáng tạo, không theo quy trình kỹ thuật, do vậy hiệu quả áp dụng nghề sau đào tạo không cao.

 

Ảnh: Đào tạo nghề làm nón, gắn bao tiêu sản phẩm cho đồng bào xã Lâm Hóa

 

Từ tình hình thực tiễn đặt ra hiện nay, các cấp Hội xác định mục tiêu của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong những năm tới là: nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn; trong đó, tập trung đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn để chuyển đổi nghề, đủ trình độ, năng lực vào làm việc ở các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, dự án đầu tư lớn và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; đào tạo nghề nông nghiệp cho một bộ phận lao động nông thôn để thực hành sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại; góp phần nâng cao chất lượng lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

 

Để đạt được mục tiêu trên, Hội chủ động phối hợp với ngành LĐTBXH, các ngành, đoàn thể, địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành; xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các địa phương, cơ sở triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó yêu cầu mạnh dạn chuyển đổi từ đào tạo chạy theo số lượng sang đào tạo gắn với đặt hàng của doanh nghiệp; tổ chức đào tạo nghề kết hợp với dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập sau khi học nghề; nghề đào tạo cho lao động nông thôn phải gắn với yêu cầu làm nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và dịch chuyển cơ cấu lao động của địa phương.

 

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ để phát huy vai trò của các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn.  Xây dựng chương trình và tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên đề cho cán bộ Hội Nông dân các cấp về kiến thức, kỹ năng về tuyên truyền, tư vấn, tổ chức đào tạo nghề, tạo việc làm cho nông dân (từ khâu dự báo, xác định nhu cầu, đến xây dựng kế hoạch đào tạo, gắn kết phát triển các mô hình kinh tế với yêu cầu tổ chức đào tạo nghề cho người nông dân có hiệu quả; tín dụng, phát triển các mô hình sản xuất, tham gia hợp tác xã, doanh nghiệp, tham gia chuỗi giá trị...).

 

Tạo điều kiện phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của các cấp Hội nông dân trong các hoạt động như:  Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về dạy nghề, gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn, trong đó đặc biệt chú trọng tuyên truyền về những điển hình người nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nhân rộng những mô hình tiên tiến phát huy được kiến thức, kỹ năng qua đào tạo nghề vào trong thực hành sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại. Đẩy mạnh công tác thông tin, tư vấn, hướng nghiệp và giải quyết việc làm, tư vấn về thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại và cơ sở sản xuất, kinh doanh; tư vấn về tham gia chuỗi giá trị.

 

Ảnh: Trao tặng gà giống cho học viên là người khuyết tật sau đào tạo nghề chăn nuôi thú y nhằm xây dựng mô hình làm ăn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống tại phường Bắc Lý và Bắc Nghĩa, TP Đồng Hới.

 

Chú trọng các giải pháp để Hội Nông dân các cấp được tham gia một cách có trách nhiệm vào công tác đào tạo nghề, đặc biệt trong khâu xây dựng kế hoạch đào tạo gắn với phân bổ sử dụng ngân sách vào xây dựng những mô hình hiệu quả gắn với điều kiện phát triển kinh tế và gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững ở các địa phương; thiết kế chương trình đào tạo nghề chú trọng kiến kiến thức về vốn, thị trường, sản xuất kinh doanh hàng hóa; gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong tất cả các khâu của quá trình đào tạo, tổ chức đào tạo theo vị trí việc làm của doanh nghiệp.

 

Phối hợp nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách mới với Đảng và Nhà nước trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các chính sách xã hội cho nông dân trong tình hình mới; giám sát hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở địa phương. Tăng cường chỉ đạo hoạt động của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ nông dân - phụ nữ Quảng Bình, phát triển Trung tâm trở thành đơn vị nòng cốt thực hiện vai trò, chức năng của Hội Nông dân trong hỗ trợ cán bộ, hội viên nông dân, phụ nữ tham gia học nghề, phát triển mô hình sản xuất gắn với học nghề, sử dụng nghề và giải quyết đầu ra sản phẩm sau học nghề, góp phần, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.


Nguyễn Tiến Thành

Giám đốc Trung tâm GDNN & HTND-PN tỉnh Quảng Bình

Các tin khác