Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 1

  • Hôm nay 35

  • Tổng 2.280.030

Tăng thu nhập, có việc làm, môi trường trong lành

Ngày đăng: 11/05/2021

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Theo Tạp chí Nông thôn mới (số 379- Kỳ 2, tháng 11/2014) Tỉnh Quảng Bình hiện có 141/159 xã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Quảng Bình có điều kiện tự nhiên đa dạng, có rừng, biển, đồng bằng, trung du; có hệ thống sông suối tương đối nhiều, có hệ thống đường sắt bắc nam và Quốc lộ 1A đi qua, có cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế...Những điều kiện vừ tự nhiên và xã hội tạo nhiều thuận lợi, nhưng cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho Đảng bộ và nhân Quảng Bình trong phát triển kinh tế-xã hội.

 Để hội viên đóng góp các sáng kiến, kế sách hay

Thực hiện chủ trương XDNTM(XDNTM), ngay từ khi có văn bản chỉ đạo Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã kịp thời triển khai, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội trong tỉnh thực hiện. Trong công tác tuyên truyền, tập trung tuyên truyền về mục đích, nội dung, tư tưởng chỉ đạo, tính nhân văn, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, của địa phương; các mục tiêu, chỉ tiêu cần đạt, những việc cần tham gia, những việc trực tiếp phải làm để mỗi cán bộ hội viên ND hiểu, tích cực hưởng ứng. Về tổ chức thực hiện, mỗi một nội dung triển khai đảm bảo đều được chi hội đưa ra cho hội viên ND góp ý, bàn bạc, thảo luận, đóng góp các sáng kiến, kế sách hay, sát hợp với từng địa phương, sau đó cùng đưa ra kế hoạch thực hiện, cùng nhau hành động. Việc phát huy tối đa dân chủ, quyền lợi gắn với nghĩa vụ, trách nhiệm nên ND tin tưởng, phấn khỏi, tự giác tham gia.

Xác định đúng nhiệm vụ của Hội và hội viên ND, ngay từ đầu, các chi Hội đã tổ chức cho hội viên tham gia góp ý kiến trong từng nhiệm vụ quy hoạch, nắm vững quy trình và tổ chức thực hiện theo quy hoạch, cử cán bộ chủ chốt có năng lực tham gia vào Ban chỉ đạo, ban quản lý, ban điều hành cơ sở, đóng góp ý kiến về công tác quy hoạch vùng sản xuất, chăn nuôi, kế hoạch, đề án XDNTMvà tham gia giám sát chương trình tại địa phương.

Thực hiện phương châm "ND hiến kế, hiến của, hiến công", “Nhà nước và nhân cùng làm”, ND còn tích cực thực hiện các chương trình "Kiên cố hóa trường học", "Bê tông hóa kênh mương", "Cải thiện nhà ở cho hộ nghèo"... Từ kết quả ban đầu thực hiện chương trình XDNTM như hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế được đầu tư nâng cấp, vệ sinh môi trường được chú trọng, người dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Phong trào XDNTM lan toả đến tận các vùng sâu vùng xa vùng công giáo, dân tộc, góp phần làm thay đổi diện mạo các vùng quê.

Quảng Bình có tổng diện tích tự nhiên 8.065km2, dân số hơn 860.000 người, có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 159 xã, phường, thị trấn. Hiện có trên 80% dân số nông thôn, 65% lao động làm việc trong lĩnh vực nông lâm, ngư nghiệp. Tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo 31,5%. Bình quân GDP đầu người đặt 21,5 triệu đồng.

Ba nhiệm vụ trọng tâm

Mục tiêu xây dựng NTM là phát triển nông thôn theo hướng toàn diện. Tuy nhiên, mục tiêu chủ yếu và xuyên suốt là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ làm đều phải hướng vào mục tiêu này, trong đó ND phải là chủ thể. Thực tế hiện nay là nhiều địa phương chỉ tập trung đầu tư làm hạ tầng mà chưa chú trọng đến khâu sản xuất, nâng cao thu nhập người dân. Với tư tưởng chỉ đạo thực hiện là phải thực hiện thường xuyên, liên tục, bền bỉ, thực chất, không nóng vội, giảm sự đóng góp của ND, góp phần tham gia XDNTM một cách bền vững, trong thời gian tới, Hội ND tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh các hoạt động, phong trào thi đua, hỗ trợ, tiếp sức cho hội viên ND tham gia xây dựng nông thôn mới, hướng trọng tâm vào 3 nhiệm vụ chủ yếu, các chỉ tiêu khó, đó là nâng cao thu nhập cho người ND; tăng cường công tác đào tào nghề, giải quyết việc làm; cải thiện, bảo vệ môi trường nông thôn.

Muốn tăng thu nhập thì phải giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp vì Quảng Bình hiện nay bình quân đất sản xuất nông nghiệp/hộ thấp, trình độ canh tác nhiều vùng còn hạn chế, thì đầu tư công nghệ, tập trung sản xuất lớn bao nhiêu người ND cũng khó có thể làm giàu, hoặc có hộ giàu nhưng là thiểu số. Vì vậy phải chuyển dịch, giảm bớt lao động trong nông nghiệp, tăng quỹ đất cho hộ ND, để ND trở thành công nhân, doanh nghiệp, đầu tư sản xuất, kinh doanh dịch vụ, thương mại.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Hội ND tỉnh vẫn xác định là tiếp tục đẩy mạnh phong trào ND thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là phong trào nền tảng. Tiếp tục tạo điều kiện để ND tiếp cận các nguồn vốn, nhất là từ các nguồn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Quỹ Hỗ trợ ND; Chuyển giao tiến bộ KHKT, công nghệ tiên tiến; Nâng cao nhận thức, kiến thức về kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế. Tạo ra sự đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Phát huy sức mạnh của gần 60 ngàn hộ ND sản xuất, kinh doanh giỏi trong toàn tỉnh, trở thành những hạt nhân, tạo sự tương tác về kỹ thuật, tư duy, cách thức làm ăn trong cộng đồng.

Bên cạnh tham gia thực hiện công tác đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn tập trung vào 2 lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, nhằm nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề và tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên. Hội ND tỉnh tăng cường vận động ND đầu tư cho cán cái sau khi học xong PTTH không nhất thiết phải thi vào đại học mà biết lựa chọn các ngành nghề phù hợp với sở thích, năng lực, điều kiện kinh tế gia đình để theo học các chương trình đào tạo nghề dễ được tuyển dụng và có thu nhập ổn định.

Một thực tế là, xu thế sản xuất của các “hộ ND nhỏ, tự chủ” ngày càng gặp rất nhiều khó khăn trong môi trường cạnh tranh, vì vậy Hội ND tỉnh tích cực vận động ND chuyển đổi ruộng đất kém hiệu quả săng trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn, khuyến khích tăng quy mô sản xuất, phát triển tổ hợp tác, liên kết sản xuất, HTX, trang trại; tham mưu chính sách để tỉnh ưu đãi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trong điều kiện người ND còn nghèo, sản xuất nông nghiệp luôn gặp nhiều khó khăn và rủi ro cao, thì mô hình “ND liên kết sản xuất với các doanh nghiệp” là hướng sản xuất hàng hóa, hiệu quả, bền vững và an toàn nhất cho người ND hiện nay, liên kết 4 nhà, tạo mối quan hệ liên kết giữa người sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã với doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo người dân có lãi và ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Đến cuối năm 2013 số hộ nghèo của tỉnh Quảng Bình là 14,2%; hộ cận nghèo hơn 18,2%. Năm 2014, Quảng Bình đặt mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 4%, nhưng đến nay con số đạt được là 11,88%. Toàn tỉnh có 131 HTX, 54 tổ hợp tác nông lâm nghiệp, 97 tổ hợp tác trên biển, 7 tổ hợp tác nuôi trồng thủy hải sản đang hoạt động hiệu quả. Khi xây dựng NTM, toàn tỉnh đã có 20.415 hộ nông dân tự nguyện hiến trên 1 triệu m2 đất, giá trị 97.690 triệu đồng; 26.740 hộ tự nguyện phá dỡ 287.074m hàng rào, giá trị 26.373 triệu đồng và các tài sản khác gần 35 tỷ đồng.

Tiêu chí rất khó: Môi trường

Hội ND tỉnh rất chú trọng chỉ đạo thực hiện tiêu chí về bảo vệ môi trường nông thôn. Tuy nhiên, việc thực hiện tiêu chí này gặp nhiều khó khăn. Có thể nói đây là một tiêu chí khó khi mà vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội, đặc biệt đối với cộng đồng người dân sống ở khu vực nông thôn: ô nhiễm môi trường nước do nước thải từ sinh hoạt và hoạt động sản xuất nông nghiệp; ô nhiễm môi trường không khí từ các làng nghề, chăn nuôi, thói quen đốt rác, chất thải rắn không được thu gom và xử lý hợp vệ sinh; việc sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật, nuôi trồng thuỷ sản không đúng qui định...

Hội ND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giáo dục pháp luật về tài nguyên môi trường, vận động người sử dụng phổ biến các chế phẩm sinh học, hạn chế dùng hóa chất hoặc thuốc kháng sinh trong nuôi thủy sản; hạn chế, chống lạm dụng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trong canh tác nông nghiệp; hướng dẫn người dân thu gom, xử lý hợp vệ sinh đối với các loại bao bì chứa đựng hóa chất, xây dựng thói quen hạn chế sử dụng túi bao nilon…Hiện có 627 trang trại, trên 26 ngàn cơ sở sản xuất kinh doanh, Hội chỉ đạo, phối hợp chuyển giao cho ND kỹ thuật và áp dụng những mô hình canh tác mới thân thiện với môi sinh. Sản xuất theo quy trình an toàn trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Xây dựng, nhân rộng và tuyên truyền các mô hình nhóm, đội tự quản vệ sinh môi trường, xây dựng mô hình “Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ”, “sạch từ nhà ra ngõ, từ ngõ ra đồng ruộng”, vệ sinh các tuyến đường Chi hội ND tự quản, bảo vệ môi trường nông thôn, tài nguyên, môi trường biển, ven biển.

Với những nổ lực chung của toàn tỉnh, sự đóng góp đáng kể của ND, chương trình XDNTMtrên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, trong tổng số 141 xã XDNTMcủa tỉnh đã có 14 xã đạt dưới 5 tiêu chí, 66 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, 23 xã đạt từ 10-12 tiêu chí, 23 xã đạt từ 13-16 tiêu chí, 10 xã đạt từ 17-19 tiêu chí, dự kiến hết năm có 11 xã đạt nông thôn mới.

Tăng thu nhập cho ND và chuyển đổi cơ cấu lao động, bảo vệ môi trường nông thôn là những tiêu chí trọng tâm, mang tính cốt lõi của chương trình xây dựng NTM. Để hoàn thành tiêu chí về hạ tầng kinh tế- xã hội, có thể chỉ cần vài ba năm. Nhưng với việc đào tạo nghề, phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu lao động lại cần nhiều thời gian và có tính kế hoạch hơn, nên cần sớm được quan tâm, đầu tư ngay từ bây giờ. Để nông thôn mới không chỉ có những con đường mới, trường học, trụ sở... đẹp đẽ, khang trang, mà người dân ở đó phải được đổi mới về tư duy sản xuất, có đời sống vật chất đảm bảo, có môi trường trong lành, có đời sống tinh thần thực sự phong phú, văn minh, hiện đại.


Đoàn Ngọc Lâm - TUV, Chủ tịch HND tỉnh Quảng Bình

Các tin khác