Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 3

  • Hôm nay 3082

  • Tổng 2.273.663

Quảng Bình có gần 77.000 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi

Ngày đăng: 21/09/2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” (sau đây gọi tắt là phong trào Nông dân thi đua SXKD giỏi) được Đảng đoàn, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Cốt lõi của phong trào hướng đến nâng cao đời sống hội viên nông dân để từ đó thực hiện nhiều nhiệm vụ liên quan trên lộ trình xây dựng nông thôn mới.

Tập trung nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân thi đua sản xuất

 

Để hội viên nông dân sớm bắt tay và thành công với kế hoạch đưa ra, Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình đã có nhiều nhiều chương trình hỗ trợ cũng như kịp thời nắm bắt xu thế thị trường, định hướng, liên kết nhằm mang lại những điều kiện tối ưu. Nhờ đó, giai đoạn 2017-2021, bình quân hàng năm có hơn 120 nghìn lượt hộ hội viên nông dân đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, chiếm gần 80% số hộ làm nông nghiệp.

 

Xây dựng mô hình điểm hướng đến diện rộng nhằm mang đến vụ mùa bội thu cho bà con. Ảnh: Bùi Ánh

 

Kết quả bình xét, đến nay có 76.885 hộ nông dân đạt tiêu chí hộ nông dân SXKD giỏi các cấp, chiếm 60% so với số hộ đăng ký, 48% so với hộ nông nghiệp. nhiều địa phương có số hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cao như các huyện Bố Trạch, Lệ Thủy, Quảng Trạch và Quảng Ninh.

 

Một trong những giải pháp được các cấp Hội tập trung hướng đến là giải quyết trước mắt nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, tránh trường hợp vay tín dụng đen tăng thêm khó khăn cho người dân. Trong đó phải kể đến nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân đã được Hội Nông dân xây dựng và quản lý cho vay khá chặt chẽ. Đến 31/12/2021, các cấp Hội trong tỉnh đang quản lý hơn 51 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, thực hiện 502 dự án liên kết sản xuất theo nhóm hộ, giúp trên 3.300 hộ vay phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, ký kết chương trình phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt để tạo vốn giúp nông dân mở rộng trang trại và quy mô sản xuất. Đến ngày 31/12/2021, dư nợ từ các ngân hàng hơn 1.600 tỷ đồng cho hơn 42.800 hộ vay.

 

Chú trọng yếu tố "đòn bẩy" giúp bà con giải quyết nguồn vốn trước mắt luôn được các cấp Hội quan tâm. Ảnh: Bùi Ánh

 

Các cấp Hội cũng đã đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, dạy nghề cho nông dân, đây vừa là giải pháp cơ bản để thực hiện phong trào vừa là yếu tố đảm bảo đồng vốn phát huy hiệu quả. Trong 5 năm, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức hơn 4.200 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, 562 lớp dạy nghề ngắn hạn cho hơn 320.000 lượt nông dân.

 

Để khơi dậy tiềm năng và phát huy tinh thần tự lực, tự cường, lao động sáng tạo, đẩy mạnh việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo và tổ chức các cuộc thi như  “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông”, “Nông dân chăn nuôi bò lai giỏi” ...; Hội cũng tổ chức cho nhiều cán bộ, hội viên, nông dân đi tham quan, học tập các mô hình sản xất, kinh doanh có hiệu quả trong và ngoài tỉnh. Hoạt động của Hội đã tiếp thêm ý chí và bồi thêm kiến thức thúc đẩy hội viên vững vàng hơn trên con đường vươn lên phát triển kinh tế.

 

Nuôi bò lai tại xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa giúp nhiều hộ gia đình vươn lên làm kinh tế giỏi. Ảnh: Bùi Ánh

 

Yếu tố không thể thiếu trong sự đồng hành của các cấp Hội nông dân tỉnh Quảng Bình đối với hội viên là các hoạt động xúc tiến thương mại như giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các Hội chợ triển lãm nông nghiệp - thương mại; hội chợ nông nghiệp và làng nghề toàn quốc; tổ chức giới thiệu hơn 100 mặt hàng và các sản phẩm OCOP tại hội nghị kết nối sản phẩm OCOP với du lịch cộng đồng, cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ nông dân - phụ nữ… Những sự kiện này góp phần đưa sản phẩm của hội viên nông dân đến thị trường và trực tiếp thăm dò thị hiếu tiêu dùng của khách hàng để từ đó hội viên có những căn chỉnh nhằm đáp ứng tốt về chất lượng sản phẩm.

 

Xuất hiện nhiều nhân tố điển hình tiên tiến

 

Sau thời gian tổ chức tổng kết từ 150 cơ sở và các huyện, thành, thị Hội đã bầu chọn 81 đại biểu, 8 tập thể cơ sở tiêu biểu trong thực hiện phong trào, đại diện cho gần 77.000 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, 150 cơ sở Hội về dự Hội nghị tổng kết phong trào nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh.

 

Chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng nâng cao, xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn có vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng, thu hút hàng chục lao động, doanh thu hàng năm từ 500 triệu đồng đến hơn 5 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp tăng cao so với giai đoạn 2012-2016.

Anh Hoàng Minh Thắng, hội viên nông dân xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh thành công với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng. Ảnh: Bùi Ánh

 

Từ Phong trào đã xuất hiện nhiều cá nhân điển hình tiên tiến, những tấm gương xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của nông dân. Nhiều nông dân tiêu biểu được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn, tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc".

 

Điển hình như ông Nguyễn Văn Bồn (xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch) chủ trang trại tổng hợp với diện tích 6,5 ha, giải quyết việc làm cho 15 lao động, doanh thu bình quân 7 tỷ đồng/năm; ông Đinh Đăng Tuân (xã Hưng Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ) từ một thanh niên nghèo, bằng ý chí và khát vọng làm giàu đã trở thành ông chủ trang trại chăn nuôi cá giống, chăn nuôi lợn cho doanh thu 3-4 tỷ đồng/năm; ông Ngô Văn Dương (xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh) nuôi tôm trên cát ứng dụng công nghệ cao, diện tích 4ha cho doanh thu 18-20 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 20 lao động với thu nhập bình quân 20 - 25 triệu đồng/người/tháng, ông Phạm Văn Tam (xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh) đã biến 7 ha đất cát trở thành trang trại tổng hợp, chăn nuôi lợn, gà, cá, trồng keo cho doanh thu 9 tỷ đồng/năm....

 

Nông dân SXKD giỏi Nguyễn Hữu Việt (áo xanh) trồng rau bằng phương pháp thuỷ canh trong nhà màng tại vùng đất cát Quảng Thọ, Thị xã Ba Đồn sử dụng 10 lao động thường xuyên có thu nhập ổn định từ 7,5 đến 11 triệu đồng/tháng; tạo việc làm mùa vụ cho 15 - 17 lao động, có thu nhập bình quân 250.000 đồng/ngày. Ảnh: Bùi Ánh

 

Từ đó, phong trào đã góp phần tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp tỉnh Quảng Bình theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững, có nhiều đóng góp quan trọng vào chương trình xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội và góp phần bảo vệ an ninh quốc gia. Phong trào góp phần củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp Hội, nâng cao vai trò, vị thế và xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, tạo sức thu hút và sự gắn bó ngày càng chặt chẽ giữa tổ chức Hội với hội viên, nông dân, góp phần thúc đẩy xây dựng, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

 

Một trong những số liệu minh chứng cho chất lượng hoạt động Hội đã được nâng lên là, trong 5 năm qua, các cấp Hội ND tỉnh Quảng Bình đã phát triển thêm 13.622 hội viên mới, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh hiện nay lên 169.341 hội viên, chiếm 66% so với lao động nông thôn, tăng 6,3% so với giai đoạn 2012 - 2016, nội dung sinh hoạt ngày càng phong phú, chất lượng hội viên được nâng lên.

 

Hội viên Hoàng Minh Thắng (Quảng Bình) được trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị biểu dương Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi năm 2022.

 

Ngày 13/9/2022 vừa qua, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội nghị biểu dương Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi lần thứ VI, giai đoạn 2017-2022, tỉnh Quảng Bình có hội viên Hoàng Minh Thắng được trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Các hội viên Hồ Dự, Trần Thị Như Oanh, Nguyễn Hữu Việt, Hà Văn Thú được Trung ương Hội NDVN tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Nguồn: tapchinongthonmoi.vn

Các tin khác