Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 1

  • Hôm nay 500

  • Tổng 2.245.310

Làm giàu từ chăn nuôi bò vỗ béo

Ngày đăng: 07/09/2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Với quyết tâm làm giàu, nông dân Nguyễn Phương Chân ở thôn Đông Thuận, xã Mai Hoá, huyện Tuyên Hoá đã đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi bò vỗ béo với quy mô 80 con bò thịt giúp gia đình vươn lên làm giàu, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Bò vỗ béo của anh Nguyễn Phương Chân

 

Anh Chân chia sẻ: “kinh nghiệm hơn 20 năm làm nghề chăn nuôi bò và giết mổ gia súc và quyết tâm bám trụ với nghề, cuối năm 2021, nhờ anh em, bạn bè giúp đỡ, tôi đã mạnh dạn vay ngân hàng 800 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi với quy mô 80 con bò vỗ béo. Ban đầu, tôi mới nuôi thử 30 con, quá trình nuôi cho kết quả thu nhập khá và tích luỹ được kiến thức, kinh nghiệm. Từ đó, tôi đã mở rộng quy mô, tăng tổng đàn lên 70-80 con, thuê lao động để chăm sóc bò”.

 

Bò giống anh mua chủ yếu là giống bò lai ở địa phương, vì đây là giống bò rất dễ nuôi bởi có sức đề kháng cao, phàm ăn, cho sản lượng thịt rất cao. Trong quá trình chăn nuôi, người nuôi cần tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh, tiến hành tẩy giun cho bò trước rồi mới vỗ béo. Bên cạnh đó, chuồng trại phải bảo đảm thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, phải cho ăn điều độ, đủ chất dinh dưỡng. Ngoài lượng cỏ voi là nguồn thức ăn chính, anh Chân còn cho bò ăn thức ăn ủ lên men để giúp bò dễ tiêu hoá và hấp thu nhanh, cho ăn bột cám, ngô, bã bia trộn rĩ mật để thơm thịt, ngoài ra cho ăn bổ sung thêm tinh bột để tăng trọng. Mỗi con bò vỗ béo nuôi từ 3 đến 4 tháng là xuất chuồng.

 

Để có đủ lượng thức ăn cho bò, anh đã thuê đất để trồng mía, cỏ voi với diện tích gần 1 ha. Vào những ngày mùa, anh thuê nhân công đi thu rơm khắp các cánh đồng trên địa bàn để cất trữ làm thức ăn cho mùa mưa lạnh. Anh đầu tư xây dựng 3 hầm chứa thức ăn ủ men từ ngô sinh khối với khối lượng mỗi lần ủ khoảng 25 tấn. Để đảm bảo môi trường, anh đầu tư xây dựng hệ thống hầm xử lý chất thải, chất thải sau xử lý được dùng để bón cho cỏ, mía và bán cho các hộ làm vườn. Nhờ làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại và chú trọng công tác phòng bệnh nên đàn bò của anh hiện đang phát triển tốt. Đến nay trang trại của anh Chân đã đầu tư gần 3 tỷ đồng với hệ thống chuồng trại chăn nuôi rộng hơn 1.000m2, phía trên chuồng được lát sàn để đựng thức ăn khô và tạo lớp cách nhiệt chống nóng cho đàn bò.

 

Anh Chân và công nhân đang phối trộn thức ăn cho bò

 

Hiện trang trại của gia đình anh thường xuyên duy trì nuôi từ 70-80 con bò, vừa bán cho các thương lái, vừa chủ động được bò để giết mổ hằng ngày, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với thu nhập bình quân từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Sau khi trừ chi phí anh thu lãi gần 400 triệu đồng/năm.

 

Cán bộ, hội viên nông dân xã Thanh Hoá- huyện Tuyên Hoá tham quan, học tập mô hình

 

Mô hình chăn nuôi bò vỗ béo của anh Nguyễn Phương Chân là mô hình có quy mô lớn đầu tiên trên địa bàn xã Mai Hoá, đây là một mô hình điển hình của xã Mai Hoá trong thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi tập trung giai đoạn 2021-2025 của huyện. Trong thời gian tới, Hội nông dân xã sẽ phối hợp với cán bộ chuyên môn nghiên cứu, khảo sát đề nghị UBND xã quy hoạch thêm một số vùng chăn nuôi tập trung; đề nghị hội nông dân cấp trên và Ngân hàng chính sách xã hội tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư cơ sở hạ tầng, con giống, xây dựng và phát triển có hiệu quả các mô hình chăn nuôi, góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn xã một cách bền vững.

Trần Thị Tuyết

Hội Nông dân xã Mai Hoá

Các tin khác