Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 16

  • Hôm nay 242

  • Tổng 3.281.520

Trước khi sáp nhập tỉnh Quảng Trị, nông dân Quảng Bình tham gia đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh

Ngày đăng: 16/05/2025

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Trong bối cảnh đang sáp nhập tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, ngày 16/5, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Phong đã chủ trì Hội nghị đối thoại trực tiếp với nông dân tỉnh này nhằm lắng nghe, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt chú trọng đến phát triển kinh tế trang trại theo hướng bền vững – một trong những trụ cột chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Vai trò then chốt của nông nghiệp trong chiến lược phát triển tỉnh

 

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh, buổi đối thoại là dịp để lãnh đạo tỉnh lắng nghe trực tiếp những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc.

 

Tổ chức đối thoại là để UBND tỉnh kịp thời nắm bắt các đề xuất, sáng kiến từ chính hội viên, nông dân-những người đang ngày đêm lao động trên đồng ruộng, chuồng trại - những người góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

 

Thời gian qua, nông nghiệp Quảng Bình đã có nhiều bước chuyển biến tích cực. Các mô hình sản xuất hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn đã hình thành.

 

Các trang trại, hợp tác xã từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị, góp phần cải thiện thu nhập cho nông dân, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội.

 

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Phong, nông nghiệp, nông dân và nông thôn đóng vai trò cốt lõi trong định hướng phát triển lâu dài của tỉnh Quảng Bình. Đây là lần thứ nhất trong năm 2025 đối thoại với nông dân, điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo tỉnh.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Phong phát biểu tại hội nghị đối thoại với nông dân tỉnh nhà trong bối cảnh cả 2 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị đang khẩn trương tiến hành các bước để sáp nhập, hợp nhất, sắp xếp đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy theo chủ trương của Đảng.... Ảnh: Trần Anh

 

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Phong đối thoại trực tiếp với nông dân. Ảnh: Trần Anh

 

Tập trung tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế trang trại

 

Tại hội nghị, nhiều nông dân đã phản ánh những khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế trang trại như: thiếu vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, vướng mắc về thủ tục đất đai, thiếu thông tin khoa học kỹ thuật.

 

Nông dân Nguyễn Thành Tân (ở xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đặt câu hỏi tại hội nghị đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh. Ảnh: Trần Anh

 

Nông dân Nguyễn Thành Tân (ở xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đặt vấn đề về tình trạng đất nông nghiệp manh mún, gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế tập thể và trang trại.

 

Trả lời nội dung trên, ông Trần Văn Khương – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trưởng tỉnh Quảng Bình, cho biết: Để tập trung, tích tụ đất nông nghiệp với quy mô lớn, người sử dụng đất phải thực hiện thỏa thuận chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp và phải lập phương án sử dụng đất trình cơ quan có thầm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai.

 

Nông dân Nguyễn Công Xuân ở xã Hoa Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), cho biết: “Tôi đang thực hiện mô hình sản xuất lúa - cá - vịt ở vùng đầm phá Hạc Hải kết hợp phát triển du lịch sinh thái.

 

Những năm qua, tôi đã trồng nhiều loài cây ngập nước để tạo nơi cư trú cho các loài chim và thủy sản nhưng không có hiệu quả. Đề nghị tỉnh chỉ đạo, nghiên cứu trồng các loài cây phù hợp để tạo hệ sinh thái xanh, tạo điều kiện cho các loài sinh vật cư trú, bảo vệ và phát triển môi trường vùng đầm phá Hạc Hải”.

 

Ông Trần Văn Khương-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Bình trả lời câu hỏi của hội viên, nông dân tại hội nghị. Ảnh: Trần Anh.

 

Nông dân Nguyễn Công Xuân ở xã Hoa Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đặt câu hỏi tại hội nghị.

 

Về nội dung trên, ông Trần Đình Hiệp - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, trả lời: Do vùng đầm phá Hạc Hải là vùng thấp trũng, ngập ngọt và thường bị ngập úng, ngập lụt lâu ngày nên việc đưa các loài cây như: cây Cà na, cây Dừa xiêm, cây Dừa nước, Sú, Vẹt…vào trồng là không phù hợp.

 

Để hình thành hệ sinh thái xanh, tạo điều kiện cho các loài sinh vật cư trú, bảo vệ và phát triển môi trường vùng đầm phá Hạc Hải nên đưa một số loài cây bản địa vào trồng ở vùng đầm phá Hạc Hải như cây Cừa, cây Lộc Vừng, cây Sung.

 

Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ nghiên cứu, lựa chọn loài cây trồng vừa mang lại giá trị kinh tế vừa tạo cảnh quan, sinh thái để đưa vào trồng trên các vùng đất có điều kiện lập địa như vùng đầm phá Hạc Hải.

 

Còn nông dân Nguyễn Thanh Hương ở xã Quảng Hòa (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) nêu vấn đề: Ðể sản xuất nông nghiệp hữu cơ thật sự phát triển và khẳng định được chỗ đứng, bên cạnh việc nâng cao nhận thức trong cộng đồng. Đề nghị tỉnh cần có cơ chế đặc thù, chính sách hỗ trợ nâng cao giá trị đối với các sản phẩm từ nông nghiệp hữu cơ.

 

Ông Trần Đình Hiệp - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi Trường tỉnh Quảng Bình trả lời câu hỏi của nông dân. Ảnh: Trần Anh

Ông Trần Đình Hiệp - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi Trường tỉnh Quảng Bình, trả lời: Dù Bộ Nông nghiệp và Môi trường chưa có cơ chế, chính sách riêng nhưng tỉnh Quảng Bình đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đưa ra các giải pháp, ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương. Đồng thời, tăng cường các nguồn lực, lồng ghép nhiều chính sách đặc thù của tỉnh để hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp hữu cơ.

 

Sở Nông nghiệp và Môi trường đang tích cực nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù cho phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn tới, tập trung vào các khâu then chốt như:  Hỗ trợ chi phí chuyển đổi, chi phí chứng nhận hữu cơ; Hỗ trợ xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất; Khuyến khích liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ, đặc biệt là mô hình "liên kết 4 nhà"…

 

Ngoài ra lồng ghép nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi, công khai quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tiềm năng để kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

 

Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đối thoại với nông dân về chủ đề: Thúc đẩy kinh tế trang trại phát triển bền vững. Ảnh: Trần Anh.

 

Nông dân Cao Xuân Thái ở xã Trung Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) nêu câu hỏi: “Hiện nay tỉnh Quảng Bình có những chính sách hỗ trợ nào để khuyến khích nông dân, đặc biệt là các trang trại ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nông dân tham gia giao dịch thương mại điện tử?”.

 

Về nội dung trên, ông Trần Đình Hiệp - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, trả lời, trả lời: Tỉnh đã và đang tích cực triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách của Trung ương, đồng thời ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương nhằm thúc đẩy mạnh mẽ ngành nông nghiệp phát triển, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao và liên kết chuỗi giá trị.

 

Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, tỉnh rất quan tâm bố trí nguồn lực trực tiếp, hàng năm dành 40-50% kinh phí từ nguồn chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và thủy sản để ưu tiên hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

 

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Phong ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết của bà con nông dân. Ông yêu cầu các sở, ngành liên quan khẩn trương tổng hợp, tham mưu giải pháp cụ thể, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, góp phần phát triển kinh tế trang trại bền vững, hiện đại và hiệu quả.

 

Trần Anh

danviet.vn

 

Các tin khác