Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 1

  • Hôm nay 197

  • Tổng 2.273.887

Một nông dân thu tiền tỷ từ mô hình nuôi tôm

Ngày đăng: 28/07/2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Những năm qua, Hội Nông dân (HND) tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều nông dân vươn lên làm giàu chính đáng nhờ các mô hình SXKDG, trong đó có anh Ngô Văn Truyền (xã Hải Ninh, Quảng Ninh) với mô hình nuôi tôm công nghệ cao, thu lãi mỗi năm hàng tỷ đồng…

Thất bại vẫn không nản chí

 

Sinh ra trong gia đình đông anh em ở vùng bãi ngang nghèo, mới học hết lớp 9, anh Ngô Văn Truyền (SN 1988) đã phải rời quê vào miền Nam làm thuê kiếm sống. Những năm làm thuê ở vùng biển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, anh Truyền cũng đã tích cóp, sắm được cho mình một chiếc tàu cá và ngư lưới cụ để đánh trên biển.

 

Cuộc sống ổn định, những tưởng đã có thể níu chân anh ở lại lập nghiệp lâu dài ở mảnh đất phương Nam này. Nhưng không, sâu trong cõi lòng của Truyền vẫn đau đáu nỗi nhớ quê nhà và trăn trở muốn lập thân, lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương. Thế nên, khi cơ hội đến, anh Truyền đã trở về…

 

Anh Truyền kể: “Năm 2013, ở vùng biển bãi ngang Hải Ninh, người dân bắt đầu nở rộ phong trào nuôi tôm trên cát. Nhận lời mời của những người bà con, bạn bè, tôi quyết định bán toàn bộ nhà, tàu cá và ngư lưới cụ để trở về quê đầu tư nuôi tôm. Vụ đầu tiên, tôi góp cổ phần cùng 4 người khác để đầu tư 4 hồ nuôi tôm. Thật bất ngờ, ở vụ nuôi đó, 4 hồ tôm đã cho thu hoạch hơn 47 tấn tôm, giúp chúng tôi lãi hơn 3 tỷ đồng. Vậy nhưng, bước sang vụ nuôi thứ 2 (năm 2015), khi tôm mới lớn bằng chiếc đũa thì bị bệnh chết trắng hồ. Vụ tôm đó, chúng tôi thua lỗ hơn 2 tỷ đồng. Sau vụ tôm, 5 anh em rủ nhau vào Hướng Hóa (Quảng Trị) với dự định tìm mua đất để trồng cà phê nhưng không thành, bởi giá đất quá cao. Trở về nhà, một số người đã bỏ nghề nuôi tôm, riêng bản thân tôi vẫn quyết định nhận lại 2 hồ để tiếp nuôi tôm. Rút kinh nghiệm từ vụ nuôi trước, sau khi đi nhiều nơi tìm hiểu, học hỏi thêm kinh nghiệm, tôi xuống giống nuôi tôm nhưng thả với mật độ thưa chứ không dày như trước. Vụ tôm đó, tôi lãi được 300 triệu đồng, mừng lắm…”.

 

Anh Ngô Văn Truyền bên hồ tôm của gia đình

 

Theo lời anh Truyền, từ năm 2016 đến nay, cũng có năm trúng, năm thua, do tôm chậm lớn, tôm mất giá vì dịch Covid-19, nhưng tổng kết lại năm nào anh cũng có lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng. Từ tiền lãi và vay thêm vốn ngân hàng, năm 2018, anh Truyền đã chi hơn 5 tỷ đồng mua đất ở xã Hải Ninh để đầu tư mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Hiện anh Truyền đang sở hữu 2 cơ sở nuôi với 12 hồ nuôi tôm (mỗi hồ 2.000m2). Ngoài ra, nhờ nuôi tôm, anh Truyền đã xây được nhà cửa khang trang, cùng 2 chiếc xe ôtô con và nhiều tài sản có giá trị khác…

 

Chuyển hướng nuôi cá dìa nâu trong ao tôm

 

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, kết hợp với môi trường ở các vùng nuôi tôm lâu năm bị ô nhiễm, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, đã làm cho người nuôi tôm luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro, chẳng khác gì “đánh bạc với trời”. Chính vì vậy, mặc dù đang thành công với nghề nuôi tôm, anh vẫn luôn tìm cách chuyển đổi đối tượng nuôi mới.

 

Hiện anh Truyền đang nuôi thử nghiệm cá dìa nâu (một loại cá đặc sản có giá thị trường từ 160.000-170.000 đồng/kg) trên 2 hồ nuôi tôm (4.000 m2). Sau 2 tháng thả nuôi, cá dìa của gia đình anh đang phát triển tốt. Anh Truyền chia sẻ, để nuôi cá dìa, anh Truyền đã cất công vào vùng phá Tam Giang (Thừa Thiên-Huế) để tìm hiểu cách nuôi, nguồn giống và tìm đầu ra cho sản phẩm.

 

Theo anh Truyền, so với nuôi tôm thì cá dìa nâu dễ nuôi, ít tốn thức ăn và công chăm sóc. Đặc biệt, nuôi cá dìa nâu ít rủi ro, ít khả năng thua lỗ vì vốn đầu tư ít hơn nhiều so với nuôi tôm. Điều quan trọng là phải bảo đảm một môi trường nước sạch, xử lý kịp thời khi thời tiết thay đổi bất thường và cung cấp thức ăn đầy đủ, phù hợp...

 

Hiện anh Truyền và 9 hộ nông dân khác ở xã Hải Ninh đang lập dự án, vay vốn ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ nông dân để phát triển mô hình nuôi cá dìa nâu. Theo đó, mô hình này được kỳ vọng sẽ góp phần đa dạng đối tượng nuôi, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho bà con nông dân ở địa phương. Theo tính toán, 10 hộ tham gia dự án với 10 hồ nuôi, mỗi năm thả nuôi khoảng 2 triệu con cá dìa nâu giống, ước tính khi xuất bán đạt trung bình 21 tấn/năm; bình quân mỗi hộ sẽ có thu nhập 250 triệu đồng/năm trở lên.

 

Bà Phạm Thị Thanh Phúc, Trưởng ban Kinh tế, HND dân tỉnh cho biết, hiện đơn vị đang tiến hành thẩm tra dự án để làm thủ tục cho các hộ vay vốn thực hiện dự án. Với những kết quả đạt được trong quá trình nuôi tôm cả các hộ, đặc biệt là cá nhân anh Ngô Văn Truyền, HND tỉnh tin tưởng các hộ sẽ được vay vốn và mô hình nuôi cá dìa nâu sẽ thành công, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

 

"Anh Ngô Văn Truyền là một trong những điển hình trong phong trào nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Với mô hình nuôi tôm công nghệ cao và sắp tới là mô hình nuôi cá dìa nâu, không chỉ mang về thu nhập mỗi năm hơn 1 tỷ đồng cho gia đình anh Truyền mà còn giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định”, bà Phạm Thị Thanh Phúc, Trưởng ban Kinh tế, HND tỉnh cho biết.

 

Phan Phương

baoquangbinh.vn

Các tin khác