Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 4

  • Hôm nay 2857

  • Tổng 2.273.438

Minh Hóa: Chú trọng xây dựng chi hội, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp

Ngày đăng: 23/06/2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

6 tháng đầu năm 2022, toàn huyện đã thành lập mới 6 chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp nâng tổng số chi, tổ hội nghề nghiệp toàn huyện lên 9 mô hình với 115 hội viên. Một số chi, tổ hội hoạt động có hiệu quả, như: Chi hội Nông dân nghề nghiệp Nuôi ong xã Xuân Hóa, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp Trồng bưởi da xanh và nuôi ong lấy mật xã Hóa Hợp; Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp Chăn nuôi lợn sạch thị trấn Quy Đạt... Các mô hình này đang dần ổn định và phát huy hiệu quả, tạo nhiều sản phẩm, giải quyết việc làm và xây dựng kinh tế hợp tác.

Thực hiện Nghị quyết 04-NQ/HNDTW của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VII) về đẩy mạnh xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp, Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo cơ sở Hội tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên có chung ngành nghề sản xuất tham gia thành lập các chi hội, tổ hội nghề nghiệp. Nếu như trước đây, hội viên nông dân chỉ sinh hoạt trong các chi hội theo đơn vị hành chính, thì nay có thể tham gia vào các chi, tổ hội nghề nghiệp.

 

Hoạt động của chi hội, tổ hội nghề nghiệp giúp người dân có nhiều cơ hội gặp gỡ để chia sẻ kinh nghiệm, đẩy mạnh hợp tác trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp hoạt động theo Điều lệ Hội và quy chế riêng tự xây dựng trên cơ sở những quy định pháp luật của Nhà nước. Đây là một mô hình mang tính bước ngoặt, đột phá nhằm đổi mới, đa dạng hoá mô hình tổ chức Hội ở cơ sở theo hướng thiết thực, hiệu quả. Các chi hội, tổ hội nghề nghiệp đã giúp hội viên nông dân liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, hình thành tư duy sản xuất theo chuỗi giá trị. Qua đó, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm.

 

Lễ ra mắt Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp Trồng bưởi da xanh và nuôi ong lấy mật xã Hóa Hợp

 

Phương thức tập hợp hội viên nông dân vào các chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc “5 tự”: tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm; và “5 cùng”: cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi. Thực tế, các chi, tổ hội nghề nghiệp hoạt động đã tạo sự gắn kết giữa xây dựng tổ chức Hội với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, làm tiền đề cho kinh tế tập thể phát triển.

 

Thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ sở hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập thêm các chi, tổ Hội nghề nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa phương, lấy hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có uy tín làm nòng cốt để xây dựng các chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp. Tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp, nhất là cán bộ Hội cơ sở, chi hội trưởng chi hội nghề nghiệp, tổ trưởng tổ hội nghề nghiệp. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin, giá cả vật tư nông nghiệp, hàng hóa nông sản, đẩy mạnh công tác kết nối thị trường; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Đình Dũng

HND huyện Minh Hóa

Các tin khác