Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 3

  • Hôm nay 515

  • Tổng 2.245.325

Lịch sử hình thành và phát triển

Ngày đăng: 01/12/2023

Xem với cỡ chữ : A- A A+

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM
VÀ HỘI NÔNG DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Đầu năm 1930, Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức tại Cửu Long (Hương Cảng - Trung Quốc), trong Sách lược vắn tắt của Đảng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc dự thảo, được Hội nghị hợp nhất thông qua ngày 03 tháng 02 năm 1930 đã nêu ra những vấn đề cơ bản đối với giai cấp nông dân: “Đảng phải thu phục cho được đại đa số dân cày nghèo làm cách mạng thổ địa đánh đổ bọn đại địa chủ và phong kiến''; Đồng thời, Đảng nhấn mạnh ''Nông dân là lực lượng to lớn của cách mạng". Vì vậy, phải tập hợp nông dân vào một tổ chức dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, đấu tranh giành độc lập tự do và thực hiện cách mạng ruộng đất.

Tháng 10/1930, Hội nghị Trung ương Đảng thông qua Nghị quyết về việc thành lập Tổng Nông Hội Đông Dương (tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay). Điều lệ Tổng Nông Hội Đông Dương gồm 8 điều trong đó nêu rõ mục đích nhằm ''Thống nhất hết thảy Tổng Nông Hội Đông Dương để tranh đấu, bênh vực quyền lợi hàng ngày của nông dân và để thực hiện cách mạng thổ địa''. Nghị quyết đó đánh dấu bước ngoặc quan trọng trong lịch sử giai cấp nông dân Việt Nam, sự trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt của phong trào nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Hai, tháng 3/1931 nhấn mạnh ''cần phải đẩy mạnh việc tổ chức Nông hội làng, tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng, trong điều kiện địch khủng bố trắng, nông dân cùng các tầng lớp nhân dân đoàn kết đấu tranh, giương cao khẩu hiệu: chống sưu thuế, địa tô, thất nghiệp, chống khủng bố trắng, chống chiến tranh''. Thực hiện Nghị quyết Trung ương Đảng, lần thứ 2, các tổ chức Nông hội được củng cố và trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh của nông dân. Dưới sự lãnh đạo của Nông hội, phong trào nông dân diễn ra mạnh mẽ trong những năm 1932 - 1936. Tháng 3/1937, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp, và quyết định đổi tên Nông hội đỏ thành Nông hội. Chủ trương đúng đắn và kịp thời của Đảng đó giúp cho Nông hội khắp nơi trong nước phát huy vai trò của mình trong việc tập hợp, lãnh đạo nông dân hợp lực với công nhân và nhân dân lao động đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai đoạn 1939-1945, tổ chức Nông hội đã vận động nông dân tham gia đấu tranh chống lại phát xít Nhật, cùng cả nước giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Giai cấp nông dân và tổ chức Hội Nông dân tiếp tục tham gia kháng chiến và đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược; Chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ mở ra một thời kỳ mới của cách mạnh Việt Nam, Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ quá độ, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Giai đoạn 1954-1975, nông dân và tổ chức Hội Nông dân tích cực tham gia xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh chống Mỹ cứu nước ở miền Nam. Giai đoạn 1975-1986, sau chiến thắng lịch sử 30/4/1975 thống nhất đất nước, cùng với nhân dân cả nước, lực lượng nông dân hưởng ứng, tham gia, từng bước hoàn thiện quan hệ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp ở miền Nam.

Ngày 25/6/1979, Bộ Chính trị quyết định thành lập tổ chức thống nhất của nông dân lao động trong cả nước có hệ thống từ Trung ương đến cơ sở, lấy tên là Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam.

Ngày 01/3/1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 42-QĐ/TW về việc đổi tên Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam. Để đáp ứng nguyện vọng tha thiết của giai cấp nông dân Việt Nam và theo đề nghị của Đảng đoàn Hội Nông dân Việt Nam, tại phiên họp ngày 17/01/1991, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định lấy ngày 14/10/1930 là ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam.

Từ lúc thành lập đến nay, tổ chức Hội Nông dân đã thay đổi với nhiều tên gọi khác nhau như: Nông hội đỏ, Nông hội, Việt Nam nông dân cứu quốc Hội, Hội Nông dân giải phóng miền Nam (ở miền Nam), Hội Liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam. Sự thay đổi về tên gọi ở từng giai đoạn khác nhau nhằm phù hợp và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cũng như thực tiễn cách mạng.

Từ lúc ra đời đến nay, tổ chức Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức 7 kỳ Đại hội.

Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 được tổ chức trọng thể từ ngày 11 tháng 12 đến ngày 13 tháng 12 năm 2018 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp nông dân và nhân dân cả nước, đồng thời cũng là dịp để tuyên truyền nâng cao nhận thức các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của giai cấp nông dân, của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.

Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII kêu gọi toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân cả nước tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam với tinh thần“Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển”, ra sức thi đua phấn đấu thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội VII, góp phần tích cực cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra

*

*        *

Cùng với cả nước, với truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất, giai cấp nông dân Quảng Bình dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đoàn kết một lòng đứng lên chống ách thống trị của thực dân phong kiến, tạo nên làn sóng đấu tranh sôi nổi trên phạm vi toàn tỉnh. Ngày 22/4/1930 Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên được thành lập ở Kẽ Rấy ( Hoàn Lão- Bố Trạch), đến tháng 8 năm 1930 chi bộ đã chỉ đạo thành lập tổ chức Nông Hội Đỏ tại làng Lý Hoà (nay là xã Hải Trạch), do đồng chí Nguyễn Phương phụ trách. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sức mạnh nông dân được nhân lên gấp bội. Hàng loạt các cuộc mít tinh, biểu tình nổ ra khắp nơi trong toàn tỉnh, đòi giảm sưu cao, thuế nặng, đòi cải cách dân chủ…

Trong những năm 1939-1945, phong trào cách mạng Quảng Bình gặp khó khăn, cơ sở Đảng phải rút vào hoạt động bí mật. Mặc dầu bị khủng bố, nhưng nông dân Quảng Bình vẫn tin tưởng vào Đảng, một lòng son sắt với Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng và chuẩn bị lực lượng cho kháng chiến. Đêm 23/8/1945, nông dân Quảng Bình cùng cả nước đứng lên với khí thế long trời lỡ đất giành chính quyền thắng lợi trong toàn tỉnh.

Giành chính quyền chưa được bao lâu, ngày 27/3/1947 thực dân Pháp lại đánh chiếm Quảng Bình. Thực hiện lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, nông dân Quảng Bình cùng nhân dân toàn tỉnh đã đứng lên chiến đấu với quân thù suốt 9 năm kháng chiến. Với tinh thần giặc đến là đánh, giặc đi là sản xuất, xây dựng hậu phương vững mạnh, cung cấp sức người, sức của cho kháng chiến thắng lợi. Đúng 17h ngày 18/8/1954, tên thực dân Pháp cuối cùng đã phải xuống tàu rút khỏi thành phố Đồng Hới, Quảng Bình hoàn toàn được giải phóng.

Chiến tranh đã để lại hậu quả nặng nề trên quê hương thân yêu của chúng ta. Làng mạc bị tàn phá, công trình thuỷ lợi, giao thông bị hư hỏng nặng, nông dân vùng công giáo bị địch dụ dỗ di cư vào Nam, làm cho làng xóm tiêu điều, ruộng vườn không có người canh tác, thiên tai, dịch bệnh, đói rét vẫn đeo bám đến từng ngõ xóm, gia đình nông dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Quảng Bình, nông dân cùng với nhân dân toàn tỉnh khắc phục khó khăn, hăng hái xây dựng lại quê hương từ trong đổ nát.

Đến cuối năm 1960, 95% nông dân đã vào hợp tác xã, chúng ta vinh dự có Hợp tác xã Đại Phong (Lệ Thuỷ) là lá cờ đầu của HTX nông nghiệp Miền Bắc được Bác Hồ khen ngợi và phát động phong trào khắp nơi học tập. Nhờ đẩy mạnh thâm canh, áp dụng khoa học vào sản xuất nông nghiệp nên sản lượng nông nghiệp ngày càng tăng, đời sống nông dân ngày càng được cải thiện. Chính nhờ HTX mà nông dân Quảng Bình bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với tư thế vững vàng và đã làm tròn trách nhiệm của cả nước tin tưởng giao cho. Quảng Bình là tỉnh đứng đầu khu giới tuyến đã trở thành hậu phương trực tiếp của Miền Nam và tuyền tuyến lớn của Miền Bắc, với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” đã thành hành động cách mạng cho mỗi tổ chức Hội, xã viên hợp tác xã và hội viên nông dân. Hàng loạt khẩu hiệu như “ Tay cày, tay súng”, “Bám làng mà chiến đấu, bám hố bom mà sản xuất, bám đồng ruộng mà thâm canh”, “tiếng hát át tiếng bom”... đã nhân lên sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tiếp thêm sức mạnh cho người dân Quảng Bình hoàn thành sứ mạnh lịch sử. Quảng Bình đã được Trung ương Đảng và Bác Hồ khen ngợi là Quê hương Hai giỏi: “ Chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi”. Mỗi tên làng, tên xóm của Quảng Bình đều gắn với những chiến công, oanh liệt. Sự gian khổ hy sinh của nhân dân Quảng Bình đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của cả dân tộc, làm nên Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Tháng 3/1976 thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên hợp nhất thành tỉnh Bình Trị Thiên. Sau 13 năm sát nhập, để phù hợp với thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội trong chặng đường đầu của thời kỳ quá độ, phù hợp với yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, đổi mới chính sách kinh tế - xã hội, phát huy thế mạnh của từng địa phương, tháng 7/1989 thực hiện Nghị quyết của kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá VIII, Bình Trị Thiên được chia thành 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Tỉnh Quảng Bình được về địa giới cũ, dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, giai cấp nông dân Quảng Bình tiếp tục phát huy truyền thống quê hương “ Hai giỏi”, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới và đã thu được những kết quả rất đáng tự hào.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình đã tập trung xây dựng Hội vững mạnh về mọi mặt, vận động hội viên nông dân hăng hái thực hiện 3 phong trào thi đua do TW Hội Nông dân Việt Nam phát động, phát huy nội lực, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp phần cùng toàn tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng trong những năm qua.

Hội Nông dân Quảng Bình đã trải các kỳ Đại hội

- Năm 1950, Đại hội Hội Nông dân Quảng Bình được triệu tập, để đánh giá tình hình hoạt động của nông dân trong sự nghiệp tham gia kháng chiến và động viên nhân dân toàn tỉnh tiếp tục ủng hộ sức người sức của cho cuộc kháng chiến kiến quốc.

- Tháng 4/1976, Quảng Bình hợp nhất với Quảng Trị, Thừa Thiên. Đến tháng 7 năm 1977, Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Bình Trị Thiên được thành lập với một hệ thống tổ chức Hội từ tỉnh đến cơ sở.

-Tháng 3 năm 1978, Đại hội Đại biểu HND tập thể Bình Trị Thiên lần thứ Nhất.

-Tháng 4 năm 1984, Đại hội Đại biểu HND tập thể Bình Trị Thiên lần thứ Hai.

-Tháng 7 năm 1987, Đại hội Đại biểu HND tập thể Bình Trị Thiên lần thứ Ba.

Cả ba lần Đại hội được tổ chức trọng thể tại Thành phố Huế.

- Tháng 7 năm 1989, Ban chấp hành HND lâm thời tỉnh do đồng chí Lê Ngọc Viếng làm Chủ tịch.

-Tháng 7 năm 1992, Đại hội Đại biểu Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Quảng Bình lần thứ V tổ chức thị xã Đồng Hới. Đại hội đã bầu ra 21 uỷ viên BCH, đồng chí Nguyễn Hữu Long được bầu làm Chủ tịch.

-Tháng 7 năm 1998, Đại hội Đại biểu HND tỉnh Quảng Bình lần thứ VI được tổ chức. Đại hội đã bầu ra 25 uỷ viên BCH, đồng chí Phan Thanh Giảng được bầu làm Chủ tịch.

-Tháng 7 năm 2003, Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình lần thứ VII được tổ chức. Đại hội đã bầu ra 31 uỷ viên BCH, đồng chí Phan Thanh Giảng được tái cử Chủ tịch.

- Tháng 3, năm 2006, đồng chí Hoàng Trọng Thoan được bầu làm Chủ tịch HND tỉnh khoá VII.

- Tháng 7/2008, Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2008-2013 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Đồng chí Hoàng Trọng Thoan được tái cử chức vụ Chủ tịch; các đồng chí Đoàn Ngọc Lâm, Hoàng Thị Hà được bầu làm Phó Chủ tịch.

- Tháng 4/2013, Đại hội Đại biểu Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Quảng Bình lần thứ IX. Có 249 đại biểu chính thức đại diện cho 159.960 cán bộ, hội viên nông dân toàn tỉnh dự Đại hội. Đại hội bầu 33 Ủy viên Ban Chấp hành, đồng chí Đoàn Ngọc Lâm được Đại hội bầu giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh khóa IX. Các đồng chí Phó Chủ tịch gồm: Đồng chí Mai Văn Ngọc, đồng chí Hoàng Thị Hà và đồng chí Nguyễn Nam Long.

- Tháng 3 năm 2016, tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 8 đồng chí Lê Công Toán được bầu giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh thay đồng chí Đoàn Ngọc Lâm chuyển công tác.

- Tháng 9 năm 2018, Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Quảng Bình lần thứ X được long trọng tổ tại thành phố Đồng Hới. Có 265 đại biểu chính thức đại diện cho 168.925 cán bộ, hội viên nông dân toàn tỉnh dự Đại hội. Đại hội bầu 31 Ủy viên Ban Chấp hành, đồng chí Lê Công Toán được bầu tái cử giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành khóa X. Các đồng chí Phó Chủ tịch gồm: Đồng chí Hoàng Thị Hà, đồng chí Nguyễn Nam Long.

- Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình lần thứ X diễn ra trong thời điểm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang ra sức thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Với tinh thần “Dân chủ, đoàn kết, đổi mới, phát triển”,

- Tháng 01 năm 2021, tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 6 đồng chí Trần Tiến Sỹ được bầu giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh thay cho đồng chí Lê Công Toán chuyển công tác.

- Trong 45 năm qua (1975-2020), Quảng Bình luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thiên tai và dịch bệnh ngày càng lan rộng, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của người dân: cuộc đại hạn hán năm 1993, các đợt bão lũ hết sức nặng nề những năm 1999, 2013, 2016...Bên cạnh đó, môi trường sinh thái mất cân đối, thị trường nông thôn yếu kém cũng đã tác động tiêu cực đến “đầu vào” và “đầu ra” của sản phẩm nông nghiệp. Đời sống nông dân vẫn còn nhiều bấp bênh. Tuy vậy, những chủ trương, chính sách đúng đắn, sáng tạo, kịp thời của Trung ương Đảng và Đảng bộ tỉnh, đã từng bước giải phóng mạnh mẽ tiềm năng đất đai và lao động nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ nông dân vượt qua khó khăn; giúp nông dân đầu tư sản xuất, thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp toàn tỉnh tiếp tục phát triển đa dạng và vững chắc. Nhiều phong trào, mô hình và điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã xuất hiện ở hầu khắp các địa phương. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, trạm y tế ngày càng được mở rộng, nâng cấp và đổi mới. Bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi. Đời sống vật chất và tinh thần của đông đảo nông dân được cải thiện. Phong trào xóa đói, giảm nghèo đạt được những thành tựu quan trọng. Các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao ở cơ sở không ngừng phát triển. Hầu hết các xã đã có đường ôtô về đến trung tâm xã, đại bộ phận số hộ được sử dụng điện, được chăm sóc y tế, được nghe phát thanh và xem truyền hình. Những thành tựu về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đã góp phần quan trọng vào việc ổn định chính trị, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, cùng cả nước đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Trải qua 91 năm xây dựng và trưởng thành, với những thành tích trong công tác xây dựng tổ chức Hội và thực hiện tốt các phong trào nông dân, Hội Nông dân Quảng Bình đã được Nhà nước tặng thưởng Huân Chương Lao động, Huân Chương Độc Lập Hạng Ba, Thủ tướng, Chính phủ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh tặng Cờ đơn vị thi đua xuất sắc nhiều năm liền; các bộ, ngành Trung ương, Uỷ ban Nhân dân tỉnh tặng nhiều Bằng khen.

Phát huy những thành tích đạt được, giai cấp nông dân và tổ chức Hội Nông dân Quảng Bình tiếp tục phấn đấu, đoàn kết với giai cấp công nhân, tầng lớp trí thức, nhân dân lao động quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới giàu mạnh, góp phần cùng với cả nước thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

*

*       *